Bạn muốn trở thành người như thế nào?


Triết gia người La Mã Epictetus, trong quyển The Art of Living, đã hỏi “Chính xác thì bạn muốn trở thành một người như thế nào?” – một câu hỏi đáng suy ngẫm và câu trả lời là điều ta không ngừng tìm kiếm.

11703221_10153648294461874_8916166508974049925_n
Posted first on http://dcult.net/1HscovL // Submit an Image on http://dcult.net/dcnsubmit

Gần đây tôi để ý mình hay tự hỏi bản thân câu hỏi đó, và dần dần điều này ảnh hưởng đến tôi mỗi khi cân nhắc điều gì đó hay buộc phải ra quyết định – tôi dần nhận thức rõ con đường của mình và dựa vào đó để đưa ra quyết định. Khi quyết định làm điều thoải mái, dễ dàng, tôi đồng thời đã quyết định cho phép bản thân tiếp tục ù lì. Khi tôi quyết định dùng giận dữ để đáp lại giận dữ, là tôi quyết định tổn thương chính tôi.

Mỗi quyết định đưa ra tôi đều tự hỏi: Liệu làm việc này có giúp tôi trở thành con người tôi đang hướng tới hay không? Nếu rõ rang là không, thì tôi sẽ chọn đi con đường khác.

Epictetus tiếp tục dẫn dắt người đọc:

“Bạn muốn trở thành kiểu người như thế nào? Lý tưởng của bạn là gì? Ai là người bạn ngưỡng mộ?

[…]

Nếu bạn luôn khao khát trở thành vĩ nhân với sự thông thái và khôn ngoan đáng ngưỡng mộ, thì bạn nên dành ra một ngày suy nghĩ thật thấu đáo rồi viết ra kiểu người bạn muốn hướng tới, mô tả chính xác tính cách mà bạn muốn có, rồi dành thời gian rèn luyện tính cách đó dù là ở một mình hay gặp gỡ người khác.

Việc sử dụng khả năng tưởng tượng sai mục đích đã gây ra không ít khó khăn cho chúng ta. Giáo sư tâm lý học đại học Havard chỉ ra rằng, “Trong tiến trình làm việc, mọi người thường ngây ngô cho rằng mình đã hoàn thành xong mọi thứ”. Nếu quan điểm này là đúng, thì không có gì ngạc nhiên khi chẳng ai thường xuyên tự vấn bản thân về người mình muốn trở thành. Bởi ai cũng tin rằng mình hiện tại là người thế nào thì sẽ mãi mãi là người như thế ấy. Điều này có thể đúng, chỉ khi chúng ta suy ngẫm thấu đáo và quyết định là mình muốn như thế.

Tự định nghĩa bản thân không dễ, vì điều này đòi hỏi ta phải tự nhận thức được bản thân – đức tính đi kèm với quá trình rèn luyện gian nan nhất nhưng cũng đồng thời quý giá nhất. Nhưng làm sao để có thể định nghĩa được bản thân từ những nhận thức sẵn có về chính mình, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn hơn? Hãy thử làm theo những lời khuyên quý giá sau của Epictetus:

1/ Viết xuống kiểu người bạn muốn trở thành.

Tôi thích rèn luyện trí lực của mình bằng cách tưởng tượng những thay đổi mà tôi mong muốn, sau đó đi từ đó ngược lại đến vị trí hiện tại của tôi. Nếu như tôi hình dung mình là tác giả nổi tiếng thế giới với hàng triệu người theo dõi trên trang blog cá nhân, tôi sẽ cần phải đi ngược lại: những quyết định, cơ hội, tài sản nào có thể giúp tôi đạt được điều đó? Những sản phẩm tôi làm ra phải có chất lượng như thế nào? Tôi cần rèn luyện những thói quen gì?

2/ Mô tả chính xác những tính cách mà bạn muốn có.

Bạn muốn trở nên cao ngạo và tàn nhẫn như nhân vật Frank Underwood trong House of Cards hay bạn muốn đam mê và nhiệt huyết như Leslie Knope trong Parks and Recreation? Ai là người có những tính cách như thế? Từ đó, chúng ta tìm ra phương pháp làm việc hay cách tư duy giúp họ có được phần tính cách đó.

3/ Ai là người bạn ngưỡng mộ? Những đặc tính đặc biệt nào của họ mà bạn muốn có?

Bản chất tự nhiên của con người là so sánh. Chúng ta xem nhau như những điểm mốc trong việc xác định xem điều gì phù hợp với mình và điều gì không. Khi người khác đã dẫn đầu trong việc đó rồi thì mình mới biết là mình cũng muốn dẫn đầu trong việc đó. Cũng như nhà văn Nicholas Delbanco từng nói, “Chỉ khi bắt chước mới thực sự hiểu được bản gốc.” Điều này không chỉ quan trọng trong việc nhận ra những tính cách của người bạn ngưỡng mộ mà còn giúp bạn biết được cách rèn luyện chúng.

Gần đây tôi nói chuyện với người bạn thân của tôi qua điện thoại vì anh ấy hiện ở rất xa. Tôi kể cho bạn tôi nghe về công việc và cuộc sống của mình thì bị ngắt ngang giữa chừng. “Khoan đã, chẳng phải điều cậu muốn làm nhất là giúp đỡ người khác sao? Sao chẳng có điều  nào cậu kể là giống vậy hết? Đúng là cậu đã theo con đường mơ ước là viết lách rồi, nhưng hình như vẫn có gì chưa đúng. Tại sao vậy?”

Tại sao vậy?

Tôi đã thất bại trong việc tự vấn bản thân, “Tôi sẽ trở thành kiểu người như thế nào nếu tôi đưa ra quyết định này?”

Bằng việc hỏi đi hỏi lại bản thân như thế, tôi tìm ra được những cơ hội phù hợp nhất với mình (và thú vị là, những cơ hội tốt nhất luôn mang đến cho tôi cảm giác nghi ngờ về bản thân và sợ hãi nhiều nhất, chứng tỏ rằng những cơ hội này mang đến cho tôi những thử thách và trải nghiệm mà không điều gì có thể làm được tương tự).

Tôi muốn thử thách các bạn: trước mỗi cơ hội, mỗi thời khắc bạn có không gian và thời gian để suy nghĩ thấu đấu trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, hãy tự hỏi bản thân, “Liệu điều này có giúp tôi trở thành con người tôi đang hướng tới?”

Jodric Ace Team
Nguồn tham khảo: Who do you want to become?

One thought on “Bạn muốn trở thành người như thế nào?

  1. Cảm ơn bài viết của bạn, tôi cũng đang trong quá trình định hình mẫu con người mà mình mong muốn trở thành.
    Về tính cách tôi muốn trở thành 1 người đàn ông tự tin, có trách nhiệm với lời nói của mình, tâm bình khí hòa.
    Trong công việc thì hơi khó hơn 1 chút, vì tôi chưa định hướng được sự nghiệp mình theo đuổi, có lẽ hiện tại mình đặt hình mẫu 1 người anh thành đạt trong sự nghiệp mà mình quen làm hình mẫu.

    Like

Tham gia bình luận